++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog của tôi ++ Một ngày vui vẻ nhé! ++

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Ai ơi! Cá niên nướng!

Cá niên có nhiều ở khu vực rừng núi phía tây của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Cư dân quê tôi còn gọi cá niên là cá liên.
Cá niên thường xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè, chúng thích sống ở đoạn suối nước chảy xiết, nhất là đoạn có thác, ghềnh, nên việc bắt chúng tương đối khó. Ngoài câu, có thể bắt cá niên bằng lưới, hoặc suốt cá.

Cách bày cúng cá niên nướng của đồng bào dân tộc Cơtu (cá có xiên que giang)
Cách bày cúng cá niên nướng của đồng bào dân tộc Cơtu (cá có xiên que giang)

Bà Đặng Thị Thành, 79 tuổi, cư dân của làng An Lợi (xã Hòa Ninh) cho biết, thời con gái, bà theo dân làng lên rừng chặt những cây chẹo, cây nghể... giã dập và mang lên đầu nguồn như Nà Hoa, Hố Ráp, Họng Cối, Lòng Thuyền... để thả xuống dòng nước. Các loại cá, trong đó có cá niên vừa say thuốc vừa cay mắt, bơi vòng vèo trên mặt nước, người đứng dưới suối chỉ việc dùng vợt để vớt... Còn ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), khi nông nhàn, bà con dân tộc Cơtu thường rủ nhau đi sát bờ suối từ hạ nguồn lên thượng nguồn để bắt cá. Nhờ có đông người lội nước, lũ cá nghe động chạy tứ tán, không dính vào vợt này thì cũng mắc vào vợt kia. Trong các lễ hội của người Cơtu như: lễ ăn mừng được mùa (Bhuổi a Ví), lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang Tơ Rí), lễ bỏ mả (Dông Têng), lễ ăn mừng lúa mới (Chaharoo Tơmêê)... đều có món cá niên nướng để cúng Giàng. Bà con Cơtu thường vót những cây giang nhỏ xuyên qua thân cá từ đầu tới đuôi, rồi đốt lửa nướng. Chỉ cần cặm những que cá này quanh đống lửa, trở cá đều tay để cá chín vàng, tươm mỡ.

Cá niên nhỏ khoảng hai ngón tay, thân hơi lép, có màu trắng bạc. Đứng trên bờ suối, thi thoảng, người ta thấy một quầng sáng lấp lánh dưới làn nước đang chảy xiết, đó chính là lúc cá niên đang nô đùa, lạng lách với bọt nước. Người ta câu cá niên bằng mồi bọ gậy, bọ nước và phải đứng giữa dòng nước chảy, cầm cần câu kéo tới, kéo lui mới hy vọng câu được cá. Cá niên nướng ăn với muối ớt giã nát, không ướp bất cứ gia vị nào vẫn tỏa mùi thơm ngon. Theo những vị sành ăn, bộ ruột của cá niên là ngon nhất, có vị nhẫn nhẫn đặc trưng của mật cá. Cá niên có thể nấu nhiều món, nhưng cá niên nướng vẫn ngon nhất và đơn giản nhất.

Cắm trại ven bờ suối hoang vu, gần ngọn thác, nơi bát ngát hương rừng, ngồi nướng cá trên tảng đá, chín con nào thưởng thức con nấy. Cá niên thơm bùi, nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, nhai từng miếng cá giòn, ngọt trong khung cảnh ấy thì còn gì bằng.
Ngay tại trong trung tâm thành phố Đà nẵng, nếu muốn thưởng thức món cá lạ, thơm ngon này các bạn có thể đến nhà hàng Hoàng Kim trên đường Hải Phòng. Chủ nhà hàng tên Bảo đảm bảo không làm bạn thất vọng! ( Mới kiểm chứng tối hôm qua! hì hì!!!!!!!!!!)

1 nhận xét:

  1. Hao hao như cá diếc nhưng chỉ ở ngoại hình, còn “nội dung” thì cá niên khác hoàn toàn. Nó có những đặc điểm mà không một loài cá nước ngọt nào có được.

    Chọn sông, suối làm nơi cư trú nhưng chỗ ưa thích nhất của cá niên là dưới chân các ngọn thác. Chúng luôn bơi ngược dòng nước xiết nhưng không bao giờ vượt thác. Do phải thường xuyên “gồng mình” lên trước sức nước nơi chân thác mới có thể trụ lại được nên xương cá niên rất cứng. Sở dĩ chúng chọn dưới chân các ngọn thác để cư trú vì nơi đây có nguồn thực phẩm khá phong phú.

    Phấn hương và rong tảo từ thượng nguồn đổ về, rồi loài hàu bám vào các gộp đá là những món khoái khẩu của cá niên. Chính vì ăn rong tảo và phấn hương nên ruột cá niên rất đắng - điều làm nên sự khác biệt giữa chúng với các loài cá nước ngọt khác. Theo đồng bào Hre, Ca Dong ở hai huyện vùng cao Ba Tơ và Sơn Tây (Quảng Ngãi) thì chất đắng của ruột cá niên cũng là một vị thuốc. Tuy chưa có kết luận nào từ ngành y tế để xác nhận điều nói trên, song có một thực tế là, nếu ăn cá niên mà không nhấm nháp vị đắng từ ruột của nó thì coi như giảm mất 50% giá trị của cá.

    Cá niên thường sống bầy đàn, nhưng do chúng ở trong các gộp đá dưới chân thác nên rất khó bắt. Đồng bào thường dùng lưới vây kín mặt suối mới mong bắt được vài con cho một lần quăng lưới. Giá mỗi ký cá niên ngay tại miền núi đã 350.000 đồng/kg.

    Lên các huyện vùng cao của Quảng Ngãi, trong thực đơn đãi khách không bao giờ vắng món cá niên nướng hoặc luộc chấm với muối ớt. Nếu là luộc, chủ quán thường kèm theo một bát nước có màu xanh rêu lấy từ ruột cá niên. Thực khách nào quên húp bát nước này, coi như mới thưởng thức một nửa hương vị của loài cá ngon hiếm thấy.

    Trả lờiXóa

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...