++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog của tôi ++ Một ngày vui vẻ nhé! ++

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Tận hưởng bốn mùa qua món ăn Việt

Tận hưởng bốn mùa qua món ăn Việt

Chỉ ở Việt Nam 10 ngày nhưng vợ chồng du khách người Pháp, Patricia Wells, đã được tận hưởng đủ đầy bốn mùa trời đất thông qua những món ăn truyền thống từ Bắc vào Nam.
Dưới đây là bài viết ghi lại cảm nhận của Patricia Wells trên New York Times:

Từ Hà Nội đến TPHCM, từ Hội An đến Đà Lạt, vợ chồng tôi đã đi qua nhiều khu chợ màu sắc, thưởng thức các món nem cuốn tinh xảo và tươi ngon chế biến từ thịt lợn băm, đu đủ non, nấm hương giằm trong nước chấm pha từ chanh, tỏi, đường, ớt, giấm và mắm cá.

Chúng tôi không thể không dừng lại trước hàng phở, một món ăn phổ biến và nổi tiếng nhất Việt Nam. Món phở ưa thích của vợ chồng tôi là phở bò tái với bánh phở trắng muốt, hành tươi thái nhỏ chan nước dùng ngọt lịm, ăn kèm giấm ớt và các loại rau sống tươi rói.

Qua các bữa ăn được thưởng thức tại Việt Nam, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và khâm phục những công thức nấu ăn tuyệt vời, không ở đâu có được, bằng một vài thủ thuật đơn giản cùng một số dụng cụ làm bếp cơ bản.
Từ những khu chợ cóc cho đến các nhà hàng sang trọng, hương vị của món ăn Việt đem lại cảm giác thú vị, bổ ích, làm rung động lòng thực khách phương xa.
Những bát súp nóng hổi luôn làm du khách nước ngoài thích thú.
Ẩm thực Việt Nam mời gọi du khách với vô số loại súp, từ các loại cá, sò, ngao, cho đến súp rau dùng kèm bánh mỳ hoặc các loại bánh giòn tan, béo ngậy. Ngoài ra, các đầu bếp Việt cũng sẵn lòng bổ sung các hương vị mới lạ cho món ăn của mình. Ví dụ như bí ngô, dù đã nhiều năm trồng bí ngô sau vườn nhà nhưng tôi không hề biết rằng bí ngô non, còn xanh, có thể trở thành món bí xào tỏi thơm ngon trong bữa ăn của người Việt.

Việt Nam là nước nhiệt đới, có lẽ vì thế mà ở đây trồng được nhiều loại bơ thơm ngon, được dùng nhiều trong các món tráng miệng. Ở Đà Lạt, chúng tôi được thưởng thức món kem bơ ngọt ngào quyện với sữa cô đặc đáng kinh ngạc.

Sau khi thưởng thức các món ăn tuyệt vời làm từ gạo, tôi chợt khao khát trồng được những hàng lúa nho nhỏ sau vườn, không chỉ để tự mình chế biến các món ăn Việt Nam ưa thích mà còn muốn nhìn ngắm màu xanh mơn mởn của lúa non hay màu vàng rộm của lúa chin cùng mùi hương thơm ngào ngạt trên những đồng lúa thẳng cánh cò bay.

Dạ dày của chúng tôi được chiêu đãi hàng ngày với các thực đơn giàu chất dinh dưỡng và không thể thiếu các món ăn hay các loại rau theo mùa. Trong suốt 10 ngày ở Việt Nam, thăm thú các khu chợ và thưởng thức các món ăn đã chiếm hầu hết quỹ thời gian của chúng tôi, trong đó có ba bữa tiệc mà tôi nhớ nhất.
Ông chủ La Verticale bên quầy gia vị truyền thống Việt Nam do
tự tay ông thu thập.
Bữa ăn cuối cùng của chúng tôi tại Việt Nam cùng với Didier Corlou, người Pháp, ông chủ nhà hàng La Verticale, một ngôi biệt thự cao, đẹp, được xây dựng từ những năm 1930 ở Hà Nội. Một không gian trang trí đầy màu sắc, xanh, vàng, đen, trắng và cam – tượng trưng cho 5 mùa, xuân, hạ, thu, đông, và “mùa chuyển tiếp”, gồm 21 ngày giữa bốn mùa chính.

La Verticale là một không gian riêng tư và hạnh phúc, nơi ông Corlou giới thiệu đến thực khách những món ăn tuyệt vời, cầu nối giữa ẩm thực Việt và Pháp với sự tôn trọng chất lượng và hương vị truyền thống của các thành phần làm nên món ăn Việt. Các món ăn của ông hoàn toàn tự nhiên, đơn giản và mang nét độc đáo riêng.

Bên cạnh đó, ông Corlou còn kết hợp các loại thực phẩm một cách khéo léo tạo ra những món ăn hoàn toàn mới, chẳng hạn như món súp cà chua lạnh ăn kèm một muỗng hạt tiêu đen; sườn cừu phủ mật ong; tôm và nấm cuốn bánh đa nem rán giòn… Có quá nhiều kỷ niệm và hương vị món ăn mà chúng tôi muốn ghi nhớ, mặc dù không thể nhớ hết những sự kết hợp sáng tạo của ông Corlou.

Ông Corlou, một thời gian dài là đầu bếp trưởng của khách sạn Metropole Hà Nội, giờ đã làm chủ một nhà hàng “độc nhất vô nhị” của riêng mình. Ông tự tay tìm mua các loại thực phẩm tươi ngon nhất như quế, gừng, ớt đỏ, vừng… từ khắp nơi trên Việt Nam và tự tạo ra các loại gia vị chế biến món ăn chỉ có ở La Verticale.

Dù là một người sành ăn hay lần đầu đến Hà Nội, chắc chắn bạn không nên bỏ qua Chả cá Lã Vọng. Đó là món ăn làm thực khách thích thú không kém gì bánh sừng bò ở Paris, cơm risotto ở Milan, thịt nướng ở Carolinas, hay món tapas của Tây Ban Nha, Chả cá Lã Vọng thực sự đáng để thử nghiệm.
Chả cá là món ăn lâu đời ở Hà Nội, không chỉ quen thuộc với người Việt Nam mà còn được nhiều du khách nước ngoài
biết đến.
Nhà hàng trên phố Chả Cá ở khu vực phố cổ Hà Nội mở cửa từ năm 1871 và chỉ phục vụ một món ăn duy nhất, chả cá. Món ăn đặc biệt này được chế biến từ cá lăng nướng, khi ăn được làm nóng trên một chảo dầu đặt ngay trên bàn, ăn kèm bún và rất nhiều loại rau sống đặc trưng của Việt Nam.

Đây là nơi thích hợp cho các bữa tiệc gặp gỡ bạn bè với không khí rộn rã, vui vẻ, đầy ăm ắp tiếng cười nói của các thực khách thích thú thưởng thức các bữa ăn trên bếp cá bốc khói.
Nhà hàng không được trang trí cầu kỳ, khách ăn đi lên từ những cầu thang gỗ ọp ép, dẫn tới phòng ăn kín, đơn giản nhưng đầy ắp người. Quả là một món ăn duy nhất cũng có thể làm nên một “rạp hát” với một bản hòa ca của mọi thực khách.

Khi bạn ổn định chỗ ngồi, người phục vụ sẽ lần lượt lấp đầy bàn bằng những “đạo cụ” hỗ trợ món ăn, bát ăn, đũa, các tô bún, đĩa đựng hành, thìa là, rau sống, lạc rang và một loạt bát nhỏ đựng nước chấm theo yêu cầu thực khách. Tiếp đến người phục vụ xuất hiện với một chiếc chảo nhôm lấp đầy những miếng cá nhỏ xinh, vàng ươm, thơm lừng. Người phục vụ giúp chúng tôi bật bếp, cho dầu ăn vào chảo, đổ hành cùng các loại rau sống lên trên và bữa tiệc bắt đầu.

Chính tại nơi đây, tôi nhận ra rằng, sau một tuần ở Việt Nam, tôi đã hoàn toàn “nghiện” món lạc rang muối ngòn ngọt, mằn mặn, beo béo, và “cơn nghiện” đó còn theo tôi nhiều tháng sau khi chúng tôi trở về Paris. Các thực khách đến đây ít nhiều đều gọi món đến lần thứ hai, thứ ba và không một ai rời khỏi Chả cá Lã Vọng mà không cảm thấy hả hê và thỏa mãn.
Quán Ăn Ngon ở TPHCM với khung cảnh tái hiện các khu chợ cổ
Việt Nam.
Một trong những bữa ăn ngon nhất mà chúng tôi được thưởng thức là tại quán Ăn Ngon ở TPHCM, một bữa trưa “huy hoàng” tại nhà hàng có địa thế không khác gì một rạp hát, có cả chỗ trong nhà ấm cúng và ngoài sân thơ mộng.

Nhà hàng dành cho gia đình này tái hiện lại khung cảnh của những khu chợ cổ Việt Nam với những người bán hàng quần đen áo lụa đứng sau quầy đồ ăn truyền thống. Thực khách có thể đi quanh để quan sát những cô đầu bếp dẻo tay làm nem cuốn với tôm, thịt, rau thơm; hay khéo léo tráng từng lớp bánh cuốn mỏng tang và nhanh tay chế biến những món ăn đặc trưng từ Nam ra Bắc.
Cô bán hàng ở quán Ăn Ngon nhanh tay làm nem cuốn phục vụ
thực khách.
Thực đơn ở đây gồm nhiều món nhưng bạn hãy yên tâm, các món ăn ở quán Ăn Ngon luôn được phục vụ nóng sốt tới từng phút bởi mọi thứ đều được nấu ngay trước mặt thực khách. Những món ăn nổi bật nhất trong thực đơn phải kể đến tôm nướng nóng bỏng tay, bánh tráng và tất nhiên không thể thiếu chả nem ăn kèm “một núi” rau thơm.

Kết thúc chuyến đi thú vị, khi chúng tôi đặt vé máy bay từ Hà Nội về Paris, va ly của hai vợ chồng được đóng gói cẩn thận bởi trong đó chất đầy những chai nước mắm hiệu Phú Quốc, nhưng thật tiếc, khi kiểm tra hành lý, tôi đành phải ngậm ngùi bỏ lại những món ăn ưa thích với lời giải thích đơn giản của nhân viên sân bay: “Nước mắm không được mang lên máy bay”.
Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...