++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog của tôi ++ Một ngày vui vẻ nhé! ++

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Mon canh

Chưa đến những chiều hè, rải cái chiếu ra sân, cả nhà ngồi quanh mâm cơm, ánh trăng trên đầu ngọn tre lung lay trong bát canh cua rau đay, rau mùng tơi, canh mướp hay hoa thiên lý với quả cà nén mặn, bát canh sẽ ngọt lự bởi con cua béo nục, mẹ hay chị đi làm đồng, tranh thủ bắt về trong cái giỏ buộc sau lưng. . .


Cũng đã qua Tết bánh trôi bánh chay, trời hiu hiu bàng bạc, vẫn đậm đà cái lưỡi món cá rán rim hạt tiêu mặn mà màu cánh gián, khi ngoài trời, nắng còn non, như bẽn lẽn trên những ngọn nến xanh ngọn bàng những chiếc lá tím hồng màu đồng điếu trên cành bằng láng nước và lộc sấu như làm bằng thứ xa tanh mờ mà chạm tay vào đấy hẳn phải mát tê cảm giác qua sự mềm mại gì kia...Hoa sấu từng chùm những chiếc chuông nhỏ, trắng ngà, thoảng vị thơm chua chua thơ ấu, mà đã lạ lùng sao, tài tình sao, người phụ nữ trong nhà đã kiếm được những quả sấu non đầu mùa như hiện ra từ mơ ước, từ mong chờ, từ ngạc nhiên cho món rau muống luộc đơn sơ mà quen thuộc có cái duyên tri kỷ mới. Đĩa rau muống luộc thì có gì để nói? Nó quen đến nỗi ta quên rằng có nó bên ta như màu áo nâu của mẹ, như nụ cười của chị, như tiếng học bài ê a của con gái bé bỏng quen nũng nịu đòi ta cho nó cưỡi lên lưng làm con ngựa phi qua đồi núi bằng chiếc chiếu trên giường. . . Thế mà có đấy, có cái đã mà thương mà quý, mà chờ đợi, mà gật gù... Mấy tháng nay quen xu hào luộc còn vương một nhánh lá cho bát nước luộc khỏi bệch bạc, quen với mắm bắp cải luộc thoảng vị gừng, nước luộc ấy vàng mờ như trà bồm pha loãng...bây giờ mới gặp lại người bạn mà có câu ca về bạn ấy rằng: Rau muống tháng chín, con dâu nhịn cho mẹ chồng ăn...


Nếu xu hào bắp cải luộc phải chấm nước mắm dầm trứng, có thêm chút hạt tiêu, thì rau muống luộc lại quen với thứ vị chua dịu, sinh ra bằng cà chua, bằng quả thanh trà, và hôm nay đầu mùa bằng vị sấu xanh.

Quả sấu xanh, cái hạt còn non, trắng như chiếc răng sữa trẻ lên hai, mềm đến nỗi ta nhai nó cho thấm cả không gian cuối xuân vào hàm răng mà chỉ thấy nó don dốt như cảm ứng trời đất giao mùa.

Trở lại đĩa rau luộc, màu xanh óng, xanh rờn, chắc cái thứ xanh từ trời cao rót xuống trong trận mưa rào đầu tiên, thứ trời gầm đêm giật mình loé chớp, bây giờ nó nằm trên chiếc đĩa sứ trắng tinh, sợi nọ gối lên sợi kia mà không rối, do bàn tay người phụ nữ khéo léo biết tách màu như hoạ sĩ, màu này không lẫn vào màu khác, bằng cách vớt rau ra đĩa xong mới thả viên bi tròn tròn, xanh xanh mới rời đầu cành còn rung rinh trong nước sôi già.

Bát nước rau muống luộc, từ xanh óng, đã biến thành sắc hồng tươi tắn, một sắc hồng của má con gái không cần son phấn, như gọi ta thầm bằng chính cái nội lực hấp dẫn của thiên nhiên.

Nhiều nước có thói quen ăn món súp trước khi ăn các món đặc. Chúng ta, lại có thói quen ngược lại ăn xong, mới húp một bát nước canh. Chả cần xem ai đúng, mà cứ thưởng thức cái thú được múc mấy thìa nước rau luộc màu hồng kia vào cái bát sứ trắng muốt. Hình như nhiều người cho rằng chan canh vào cơm mà và, không ngon bằng múc canh ra bát riêng mà húp sau một vài miếng. Nhưng vẫn cứ phải nhớ lời mẹ dặn từ xưa: Cả nhà chỉ có một bát canh chung, một cái muôi chung, đừng dùng cái muôi chung ấy mà húp canh, hãy múc vào bát riêng mình, và cũng đừng húp thành tiếng sụp soạn, đừng cho âm thanh lên tiếng, mà hãy chỉ là thầm thì êm ả như có trường hợp ta chỉ cần thầm thì, ta chỉ cần nghe lời im lặng trong con mắt ai kia chơm chớp mà chẳng phải ồn ào...

Bát nước luộc rau muống pha sấu, hay đánh giấm sấu đầu mùa, lạ miệng có thể còn ngon hơn cả măng nấu, gà hầm... miễn là nó phải trong vắt, trong ngần, không được vẩn một chút mỡ nào xao lên trong đó, hoặc do cái nồi cái xoong không rửa kỹ, hoặc do cái muôi vừa múc món mỡ béo khoả vào.

Bát cơm chan vỏng, thường không được nhai kỹ. Nếu húp riêng một thìa canh sau mỗi miếng, cái lưỡi ta được thay đổi cảm giác, cái cảm giác có lần đến khi ta ngột ngạt đường trường, nhễ nhại mồ hôi, được tắm táp thoả thuê, và được mặc chiếc áo mới, còn thơm mùi nắng... Nó cũng giống như vừa ăn miếng thịt rán, lại được gắp một tàu rau xà lách tươi non, đánh tan cái ngấy cái nồng, xua đi cái chán ăn...

Một năm đã (nói như Nguyễn Du) thưa hồng rậm lục, món canh đã phải xuất hiện thường xuyên trong mỗi bữa, thay cho cá kho khô, món thịt rim mặn, bát thịt kho tàu, hoặc miếng cá khô mặn rán giòn ăn vào những hôm mưa gió lạnh buốt ở ngoài kia. . .

Giờ là lúc cái áo phin nõn mỏng trên vai, chiếc sơ mi trần không cần cà vạt, cái quạt mo, quạt giấy, quạt nan phe phẩy hay quạt máy vù vù cho lay lay chân tóc. . . món canh lên tiếng bằng sự mát mẻ của mình, và mở đầu là món nước rau luộc đánh giấm sấu non, hay bát canh thịt nạc tan vào đấy mấy trái nhót xanh chua dịu, điểm đôi ba lá hành hoa xanh tái. . .

Một số nước có tục lệ ăn bốc, bởi họ ăn món khô là chính. Ta không thế, món canh là rất quan trọng trong bữa ăn, nhất là mùa hè khi cái nắng bắt đầu trình diễn non vàng đến khi tràn đầy sức vóc của mặt trời nhiệt đới.

Có rất nhiều thứ canh, đơn giản nhất là nước luộc rau như vừa nhớ đến nó. Canh cua, canh cá, canh thịt, và có thể chỉ là canh suông, như rau sắng, rau ngót, rau cải (thêm gừng) rau canh láo nháo (còn gọi là rau tập tàng) . . .

Có thể nấu canh hay nấu riêu, như trai, hến, ốc, canh đậu cà chua, rau thì xung quanh ta, ngàn đời tươi xanh, đủ màu đủ vị: rau muống, rau đay, rau mùng tơi, bí mướp, hoa thiên lý, hoa quỳnh, ngọn rau bí ngô, ngọn rau lang... rau cần, rau dền cơm (có thuyết nói ăn nhiều rau dền dễ bị bệnh sỏi thận, không hiểu có đúng?)

Không kể những món canh ít nước nhiều cái như bóng thả, vây, gà tần, vịt hầm, chim ninh... thì món canh Việt Nam thật phong phú về chủng loại, về cách ăn, về dư vị, về nguyên liệu, về hoàn cảnh, về thời tiết, cả về kinh tế nữa ...


Riêng canh chua đã làm mùa hè vợi đi bao nung nấu: canh thịt nạc cà chua, hoặc quả nhót, quả sấu canh riêu cá với khế, với quả dọc, miền Nam có món canh chua cá lóc. . . và món canh thịt nấu với củ cẩm tra thêm rau mùi tầu cũng không phải xuất hiện nhiều trong ngày thường.

Có câu tục ngữ: Già được bát canh, trẻ được manh áo mới. Có thể đó cũng là một cách xử thế, khi mâm cơm có gà luộc, sườn rán... thì không thể tỏ lòng kính trọng người già bằng cách múc một bát canh ngọt, nóng sốt cho các cụ, cũng như cho quà trẻ, niềm sung sướng nào bằng khi các cháu được mặc tấm áo mới, tung tắng sang nhà hàng xóm khoe với bạn bè... Biết cách ăn cũng là biết cách cư xử, bởi giữa ngày đông rét mướt mà bày ra món canh trong sõng lạnh ngắt thì cũng vô duyên như giữa mùa hè chói chang lại mời khách món cá khô nướng. . .

Chỉ riêng món nước luộc rau (cũng như nước luộc thịt, ta quen gọi là nước xuýt) nếu biết cách ăn làm thì cứ gì cao lương mỹ vị, cứ gì sập gu tủ chè. . . mới là sang trọng, mà cái sân gạch, mảnh chiếu cũ, ánh trăng ngà. . . cũng chứa chan hạnh phúc với cuộc đời, với một nền văn hoá truyền thống lâu đời đáng giữ gìn, trân trọng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...