++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog của tôi ++ Một ngày vui vẻ nhé! ++

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Trong ngành du lịch bạn sẽ làm gì?

Chắc các bạn đã từng nghe rằng: du lịch là một nghề thú vị vì được đi đó đây, được biết nhiều điều, được thưởng thức nhiều món ăn lạ, giao tiếp với nhiều người, tìm hiểu nhiều phong tục, tập quán khác nhau v.v...

Quả là cũng không quá đáng khi nói về nghề du lịch như vậy. Nhưng ở phía sau những điểm hấp dẫn ấy là công việc chuyên môn không dễ dàng, không nhàn hạ. Ta hãy cùng tìm hiểu một số công việc nhé!

·        Quản lý du lịch

Khi làm công việc này, bạn thực sự là “VIP” rồi đấy. Đây là việc của những người có năng lực quản lý và hiểu biết về du lịch. Với các nhà quản lý doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, tài nguyên du lịch, ngoài kiến thức chung về du lịch và quản lý, họ còn thường có chuyên môn về từng lĩnh vực cụ thể để lãnh đạo những bộ phận, nhân viên dưới quyền.

Công việc này có thể chưa phải là mối quan tâm nghề nghiệp ngay của bạn. Nhưng cũng cần thiết để ước mơ một ngày không xa, trong các bạn sẽ có những nhà quản lý du lịch trẻ, giỏi giang và nổi tiếng chứ.

·        Người điều hành du lịch

Nhiệm vụ của người điều hành du lịch là phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch thực hiện các chương trình du lịch; nhận thông tin từ những chương trình ấy để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết những phát sinh, yêu cầu của khách do hướng dẫn viên báo về.

Bên cạnh đó, người điều hành du lịch còn phân công theo lệnh cho những người điều khiển phương tiện đi lại đưa đón và phục vụ khách. Thông thường, các cơ sở du lịch có phòng điều hành, nơi các nhân viên điều hành thực hiện công việc của mình.

·        Hướng dẫn viên du lịch

Đây là những người có thẻ hướng dẫn viên du lịch, thực hiện việc đón tiếp, tổ chức hoạt động du lịch theo chương trình công ty đã bán cho khách. Họ vừa là người phục vụ chu đáo, tận tình, vừa tổ chức chương trình du lịch sao cho chính xác, sinh động.

Ngoài ra, hướng dẫn viên du lịch còn thay mặt công ty giải quyết những tình huống phát sinh trong chuyến đi mình phụ trách, tất nhiên trong phạm vi và quy định nghề nghiệp.

Hướng dẫn viên du lịch làm việc trong các công ty du lịch, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lữ hành hoặc các đơn vị quản lý và khai thác tài nguyên du lịch (các ban quản lý di tích, danh thắng địa phương, các ban du lịch trong các vườn quốc gia, các trung tâm nghiên cứu trung tâm du khách... ). Cũng có hướng dẫn viên làm việc trong những cơ quan hoặc doanh nghiệp khác nhưng có thẻ hướng dẫn viên du lịch và được mời làm cộng tác viên du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch là người bị đòi hỏi nhiều nhất về cả kiến thức, năng lực chuyên môn, phẩm chất lẫn khả năng ứng xử, giao tiếp, sự dẻo dai và tâm lý ổn định.

Về ngoại hình, hướng dẫn viên du lịch không cần cao lớn hay xinh đẹp lắm (dĩ nhiên, được thế là tốt nhất) mà cần tránh các khuyết tật về mặt, mũi, mắt, chân tay v.v...

Đáng ngại thế mà sao nghề hướng dẫn viên du lịch luôn hấp dẫn? Vì niềm vui và lợi ích chính đáng công việc này mang lại. Thực tế còn cho thấy những người đã từng làm công việc này thường tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn, thu nhập cao hơn và khi đảm nhiệm các công việc điều hành, quản lý du lịch càng dễ dàng hơn.

·        Nhân viên lễ tân

Nếu bạn đã từng tới nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan v.v... bạn sẽ dễ dàng nhận thấy hàng chữ NƠI ĐÓN TIẾP hoặc LỄ TÂN (tiếng Anh kèm theo là RECEPTION). Nơi làm việc của nhân viên lễ tân thường dễ thấy và thuận tiện cho khách vào ra.

Nhân viên lễ tân có nhiệm vụ đón tiếp khách, giới thiệu các dịch vụ của cơ sở mình, nhận thông tin yêu cầu ở, ăn của khách, kiểm tra các dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu khách đặt ra và trao đổi với khách về dịch vụ mà khách cần để có thể phục vụ khách. Lễ tân viên còn giúp khách trong các công việc: điện thoại, chỉ dẫn và thông tin, nhận và trả đồ ký gửi, thanh toán, tạm biệt khách... Nghĩa là rất nhiều việc có yêu cầu nghiệp vụ và hành vi ứng xử theo các nguyên tắc giao tiếp quốc tế và cụ thể với các đối tượng khác nhau.

Nhân viên lễ tân cần biết ngoại ngữ và không chỉ một đâu nhé! Ở các khách sạn có đẳng cấp quốc tế (trong ngành được xếp từ 8 sao trở lên), khách du lịch không phải ai cũng biết nói tiếng Anh. Lễ tân viên phải nghe, hiểu đúng thông tin của khách, đồng thời trả lời cho khách hiểu những thông tin về giá cả, thanh toán, loại dịch vụ một cách chính xác, rõ ràng.

·        Nhân viên marketing

Hay còn gọi đơn giản là nhân viên tiếp thị du lịch. Là nhân viên marketing, bạn sẽ nghiên cứu thị trường du lịch để tìm ra những gì khách cần, những gì đã có và cần có để đáp ứng nhu cầu của khách.

Công việc tìm hiểu cung - cầu ấy giữ vai trò quan trọng để doanh nghiệp du lịch có được kế hoạch kinh doanh phù hợp, vừa đáp ứng đúng sản phẩm cần thiết, vừa thu lợi nhuận cao, tránh rủi ro trong kinh doanh.

Đây cũng là việc quảng bá, khuếch trương các sản phẩm du lịch: chương trình du lịch, các dịch vụ du lịch hiện có, sẽ có, với từng loại chất lượng, giá cả để khách hàng biết và lựa chọn.

Marketing du lịch cần kiến thức du lich, kiến thức kinh doanh, khả năng phân tích và cả cái mà người ta thường gọi là sự “thính nhạy với thương trường”. Tất nhiên, tuổi trẻ và sự năng động của bạn là một lợi thế lớn vì với công việc này, bạn thường phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.

Cũng như nhiều lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác, marketing đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong các đơn vị kinh doanh, khai thác dịch vụ du lịch. Nếu bạn yêu thích du lịch và say mê khám phá, nghiên cứu thị trường, đây là cơ hội rất tốt để bạn thể hiện tài năng và nhiệt huyết sáng tạo của mình.

·        Công việc phục vụ bàn, bar, buồng bếp

Bạn đã từng thấy trên truyền hình hay trực tiếp ngồi ở quầy ba, nơi phục vụ đồ uống và “mê tít” trước những động tác điệu nghệ của người đứng quầy? Nhân viên quầy bar rất thông thạo về các loại đồ uống, từ các loại rượu đến đồ uống có ga, nước hoa quả, nước khoáng... Anh ta biết cách pha chế đồ uống cho hợp khẩu vị cũng như tâm trạng của khách. Thật tuyệt phải không?

Các bữa ăn thường kỳ, các bữa tiệc tại nhà hàng, khách sạn... đều do các nhân viên phục vụ bàn, bếp, bar đảm nhiệm.

Nhìn vào một bàn tiệc trong nhà hàng, khách sạn, chúng ta thấy được không chỉ sự sang trọng, chuẩn mực của việc bài trí, sắp xếp, trình tự phục vụ, sự khéo léo, hấp dẫn khách mà còn thể hiện cả chiều sâu văn hóa, mục đích của bữa tiệc. Màu sắc, hương vị của từng món ăn, nghệ thuật phục vụ, cho đến từng đoá hoa bày trên bàn tiệc, từng nếp gấp của chiếc khăn ăn như chúng ta thấy đều là kết quả công việc của những người làm bếp, những người phục vụ bàn và nhân viên pha chế, phục vụ đồ uống.

Bên cạnh đó là công việc phục vụ buồng, phòng. Bạn đừng tưởng đơn giản nhé! Các buồng, phòng, nhất là những nơi đạt tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi nghiêm ngặt từ sự sạch sẽ thoáng mát đến cách sắp đặt, bài trí hợp lý, có thẩm mỹ, thậm chí theo “gu” của từng đối tượng khách. Tất cả đều do “một tay” người phục vụ buồng, phòng. Không chỉ vậy, họ còn phải kịp thời và nhanh chóng đưa buồng, phòng vào phục vụ khách, hướng dẫn khách tận tình.

Thành công của khách sạn, nhà hàng phụ thuộc vào nhiều bộ phận, trong đó có đội ngũ nhân viên phục vụ này.

·        Các công việc khác trong hoạt động du lịch

Ngoài ra, trong ngành du lịch còn nhiều công việc đa dạng như chăm sóc khách hàng, thông tin du lịch, xây dựng chương trình du lịch, bán hàng lưu niệm, chăm sóc sức khoẻ, tổ chức vui chơi giải trí, giáo dục môi trường du lịch, bảo trì, nghiên cứu về du lịch, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo du lịch v.v...

Trong ngành du lịch có câu nói từ lâu đã thành phương châm: Phải làm cho khách du lịch “đến như khách và ra về như bè bạn” (Arrive as a visitor and leave as a friend).

Dù khách du lịch đến từ nơi đâu, thuộc màu da, lứa tuổi nghề nghiệp nào..., đều cần đến sự chu đáo, quý trọng của những người làm du lịch, không kể đó là bác bảo vệ, cô hướng dẫn viên hay ông giám đốc. Phải làm sao cho mỗi khách du lịch có thể hồ hởi tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong chuyến du lịch và hân hoan trở về với những kỷ niệm tuyệt vời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...