++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog của tôi ++ Một ngày vui vẻ nhé! ++

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Tết: Bài 1: Hoa và thú chơi hoa

Ngày 23 tháng Chạp, gia đình người Việt làm lễ đưa ông Công, ông Táo về trời, gói bánh chưng hay bánh tét, ngày 30 làm cỗ tất niên, sang năm mới đi chúc tết họ hàng người thân... Phong tục Việt Nam là vậy.

Tết Nguyên đán ở Thăng Long - Hà Nội cũng không khác biệt so với các tỉnh thành khác trên cả nước. Tuy nhiên vì là kinh đô lại là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương, nên Tết Thăng Long - Hà Nội có những nét riêng. Nhân đầu Xuân Tân Mão 2011, Báo Hànộimới xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài viết về nét riêng của Tết Hà Nội xưa.

Chợ hoa Quảng An ngày Tết. Ảnh: Linh Tâm

Tương truyền từ đời vua Lý Thái Tông (1227-1238), Thăng Long hình thành Tam thập trại (Liễu Giai, Ngọc Hà, Đại Yên, Giảng Võ, Hữu Tiệp...) ở phía Tây kinh thành. Ngoài trồng lúa, các trại còn trồng rau quả và hoa cung cấp cho Long thành. Trong ca dao và tục ngữ Hà Nội có câu: "Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát /Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa /Hỏi người xách nước tưới hoa /Có cho ai được vào ra chốn này?".

Những vùng đất trồng hoa
Dù là câu ca dao về tình yêu nhưng qua đó cho thấy Ngọc Hà là vùng trồng hoa của kinh thành Thăng Long. Dưới triều Nguyễn (bắt đầu từ năm 1802), nhiều quan lại về hưu đã mua đất ở Ngọc Hà, Hữu Tiệp trồng cây và hoa vui thú điền viên. Một câu ca dao khác tuy không "nhã" nhưng nói lên cây đào có từ lâu trên đất Hà Nội "Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế". Sử sách cũng chép Mai Động, Hoàng Mai và Bạch Mai xưa là vùng đất nằm ở phía Nam thành Thăng Long từng trồng giống mai trắng, mai vàng (vì thế mới có tên là Hoàng Mai và Bạch Mai). Vùng này có giống mai đặc biệt là song mai, hoa màu trắng nở một chùm hai bông. Những năm 80 thế kỷ trước cụ Mài ở xã Đông Mỹ còn giữ được nhưng nay thì song mai không còn.

Cuối thế kỷ XIX, một số nhà thực vật người Pháp đã lập ra Bách thảo để trồng thí nghiệm các loài cây (người dân quen gọi là Trại Hàng hoa) trên đất của làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp. Ngoài trồng các giống cây bản địa, viên giám đốc còn cho nhập các giống cây nhiệt đới từ châu Phi, các loại hoa, rau, củ, quả từ các nước ôn đới ở châu Âu phù hợp với khí hậu miền Bắc. Hoa nhập từ châu Âu gồm có: qillet (cẩm chướng), panse'e (hoa bướm), marquerite' (cúc vàng), violette (hoa tím)... Những luống hoa lợp kính đã tạo ra kỳ hoa dị thảo suốt bốn mùa. Giám đốc vườn thuê mướn dân làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp vào làm vườn. Ban đầu hoa trồng ở đây chỉ phục vụ những gia đình người Pháp trong các dịp sinh nhật, quốc khánh hay tiệc tùng. Nhờ có vườn Bách thảo mà dân làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp biết gây giống các loài hoa mới vì trước kia họ chỉ trồng: mẫu đơn, huệ, hồng, sói, cúc vạn thọ, ngâu, thiên lý... Những người đầu tiên trồng giống hoa mới là hai ông: Phạm Hữu Tỉnh và Trịnh Văn Quang. Hồi đầu thế kỷ XX, dân Ngọc Hà, Hữu Tiệp mang hoa vào phố rao nửa Tây nửa ta "La flơ bà đầm" (mời bà đầm mua hoa).

Chợ hoa
Trong "Dư địa chí", Nguyễn Trãi chép: "Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông". Do biến cố lịch sử, bến Đông Bộ Đầu bị lấp và một phần chợ Cầu Đông xưa nay là chợ Đồng Xuân. Sau đó chợ hoa chuyển sang họp ở Hàng Lược. Chợ hoa Thăng Long có lịch sử lâu đời, ngoài bán hoa, người ta còn bán chậu, đôn, lọ làm ở làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng. Chợ hoa còn là nơi vui chơi thanh lịch và lưu giữ văn hóa truyền thống. Chợ bán nhiều loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Sau ngày ông Công, ông Táo về trời chợ bắt đầu nhóm họp, nhưng nhộn nhịp nhất vào ngày 27 đến 30 Tết. Cúng tất niên vào trưa ngày 30 xong, nhiều gia đình ăn mặc đẹp dẫn nhau đi chợ hoa. Vì thế chợ hoa chiều và đêm 30 bao giờ cũng đông vui nhất. Những người cao tuổi ở vùng Nhật Tân bây giờ vẫn lưu truyền câu chuyện đi bán đào Tết. Ngày xưa, từ Nhật Tân xuống chợ hoa Hàng Lược không xa nhưng đường vắng lặng và heo hút, chỉ nhà nào có vườn lớn mới dám thuê xe tay còn lại vác vài cành chạy bộ. Vì phải bán hết hoa nên người bán đào thường về nhà muộn. Phòng bị cướp, người bán đào phải kẹp tiền vào bắp chân rồi quấn vải xung quanh, lại có người còn quấn vải trắng lên đầu như nhà có tang. Chỉ có dân trồng hoa Ngọc Hà và Hữu Tiệp là không lo lắng vì làng gần chợ hoa và có nhiều lính canh vì gần Tử cấm thành.

Bây giờ thì chợ hoa ngày Tết mọc lên khắp nơi, tiện thì có tiện nhưng nó nặng tính thương mại và mất đi ý nghĩa văn hóa.

Thú chơi hoa
Trong "Vũ trung tùy bút", Phạm Đình Hồ viết: Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả. Mỗi loài hoa có ngôn ngữ riêng, vì thế tùy theo sở thích, nếp nhà và điều kiện kinh tế mà người Thăng Long - Hà Nội tìm một loài hoa phù hợp. Cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm vì thế những người có tâm hồn, những gia đình có truyền thống Nho giáo thích cắm cúc trong ngày xuân. Mẫu đơn là "thiên hương quốc sắc" và theo tích của Trung Hoa, mẫu đơn không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là loài hoa thà chịu cảnh phong trần lưu lạc, nhất quyết không chịu tù hãm trong vườn của đám vương quyền để đem sắc đẹp, hương thơm ban rải cho mọi người. Vì thế mẫu đơn được nhiều nhà Nho khẳng khái ưa trưng trong ngày Tết. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương thì thầm, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, ăn ở như bát nước đầy nên các gia đình nền nếp thích mua. Cành hải đường cắm vào bình sứ Bát Tràng men xanh, loại men không khoe khoang, có chiều sâu sẽ càng làm tăng vẻ chín chắn, mặn mà. Hoa hồng thanh cao được chọn làm hoa để cúng ở chùa chiền, đền miếu và trên bàn thờ tổ tiên. Hoa thủy tiên trắng ngần tượng trưng sự tinh khiết, cao sang. Sự tích hoa thủy tiên trong dân gian Việt Nam cho thấy loài hoa này mộc mạc và chân tình. Song chơi thủy tiên rất cầu kỳ và mất thời gian nên phần lớn người có tuổi, kỹ tính mới chơi loài hoa. Trước Tết, người ta ra chợ Đồng Xuân mua củ sau đó cắt tỉa rồi cho vào bát men trắng và sau này thì cho vào cốc thủy tinh, nhà giàu sang cho vào lọ pha lê. Và chỉ có người nhiều kinh nghiệm mới biết cách làm cho hoa thủy tiên nở hàm tiếu đúng vào sáng mồng Một Tết. Ban đầu chỉ là thú chơi riêng lẻ, những người chơi thủy tiên hợp nhau và tiến tới ngày hội của loài hoa này. Hội hoa thủy tiên được tổ chức vào dịp Tết tại đình làng Yên Phụ, Ngũ Xã, đền Bạch Mã (nay nằm trên phố Hàng Buồm) và Văn Miếu. Trong sách "Dư địa chí" Nguyễn Trãi viết về thú chơi hoa đất Thăng Long không nhất thiết phải là loài hoa độc đáo, đắt tiền mà "phú quý lòng hơn phú quý danh".

Từ ngày có vườn Bách Thảo, hoa ở Hà Nội phong phú hơn và thú chơi hoa cũng đa dạng hơn. Tiếp nhận văn hóa chơi hoa từ người Pháp đầu tiên là những người làm sở Tây, thanh niên du học về, trí thức có tư tưởng và những gia đình giàu có. Không chỉ bày lọ hoa ở bàn tiếp khách ngày Tết, ngày thường họ cũng trưng hoa và đi với hoa là salon Tây. Những người có đức tính thủy chung thích chơi hoa violette, ai vui vẻ, hớn hở thì chơi hoa bướm. Song nói đến chơi hoa trên đất Thăng Long - Hà Nội, không thể bỏ qua hoa đào. Ngày Tết, người Hà Nội xưa và nay đều thích chơi đào và dù có chơi các loài hoa khác thì trong nhà vẫn phải có đào. Vì sao lại là đào mà không phải hoa khác? Về hình thức, cành đào hay cây đào thế là biểu trưng cho mùa xuân vì có lá, nụ, hoa và cả quả non. Trong tranh dân gian, bộ tranh tứ bình vẽ 4 loài hoa trong năm thì hoa đào đại diện cho mùa xuân. Chơi đào cũng không cầu kỳ như chơi thủy tiên, hết Tết đào cũng vừa tàn. Thông qua việc chọn đào, người ta cũng gửi gắm mong muốn vào trong đó, ví dụ mong muốn gia đình đoàn tụ người chọn thế Long giao, muốn con cái phương trưởng người ta chọn cành hình nơm. Đào là khí dương nên chơi đào bích, đào phai, đào thất thốn hay đào bạch thì đều rực khí dương trong nhà. Nếu Tết nào rét ngọt, sắc hồng của đào bích sẽ làm ấm thêm gian nhà và kéo các thành viên lại gần nhau. Về tâm linh chơi đào còn để trừ ma quỷ. Chuyện rằng, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc có một cây hoa đào lâu đời, to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy đầy quyền uy trú ngụ ở đây che chở cho dân chúng khắp vùng. Thế nên ma quỷ không dám bén mảng, chỉ nhìn thấy hoa đào là chúng bỏ chạy. Như các vị thần khác dưới trần, cuối năm hai vị này cũng phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Lợi dụng hai thần đi vắng, ma quỷ đã đến quấy nhiễu. Vì thế để ma quỷ khỏi quấy phá, vào ngày Tết, dân chúng đã bẻ cành hoa đào cắm trong nhà, còn ai không bẻ được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai thần dán trước cửa để xua ma quỷ.

Người anh hùng áo vải Quang Trung sau khi đập tan quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long ngày 5 Tết Kỷ Dậu (1789) đã cho ăn Tết lại, đồng thời cho trung thần phi ngựa mang cành đào vào Phú Xuân như món quà Tết và cũng là báo tin chiến thắng cho vợ yêu là Ngọc Hân, người con gái Thăng Long. Câu chuyện trong lịch sử ấy cho thấy hoa đào có ý nghĩa như thế nào đối với Thăng Long - Hà Nội. Chơi đào không chỉ vào dịp Tết mà ngay từ rằm tháng Chạp, nhiều người đã mua đào, chơi đến giáp Tết thì thay cành mới. Ra Giêng, họ mua những nhánh đào mà nụ chưa kịp nở chơi nốt cho kiệt vụ đào. Thú chơi đào 3 lần vẫn còn đến ngày nay.

Chơi hoa gắn liền với chơi chậu, đôn, lọ. Hoa nào đi với chậu nào, lọ nào, bình nào và màu men ra sao. Hoa đẹp nhưng cắm trong lọ không ăn nhập với màu hoa sẽ trở nên cọc cạch có khi vô duyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...