++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog của tôi ++ Một ngày vui vẻ nhé! ++

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Ruou "mat cua" TIEN LE

Khệ nệ bưng trên tay vò rượu sành, bác Nguyễn Văn Trạch, người có thâm niên nấu rượu trong làng từ từ rót ta một chiếc ly, những bọt bong bóng nhỏ li ti nổi lên giống như những đôi mắt cua giương lên trong vắt. Chính vì vậy mà người dân nơi đây vẫn hay gọi là rượu “mắt cua”, thứ rượu dùng để đãi khách quý ở xa mới về và là thức uống không thể thiếu để lại những dư vị nồng nàn trong những bữa tiệc làng.

Không giống như một số loại rượu gạo thông thường, khi uống rượu “mắt cua” người ta sẽ không còn thấy cái vị xông gắt, khê nồng, đắng chát hay nhạt nhẽo, lành lạnh nơi cổ họng mà cái vị cay cay, êm êm và sau đó là the the, ngòn ngọt cứ tan dần trong miệng làm tê tê đầu lưỡi, vòm họng… khiến cho người ta có cảm giác thích thú, đắm say ngay từ lần đầu thưởng thức.

Nói về cách thức để làm ra cái thứ rượu say êm này thì chỉ ở làng Tiền Lệ (Tiền Yên – Hoài Đức – Hà Nội) mới kỳ công đến vậy. Từ khâu chọn gạo, làm men, lên men đến chưng cất thành rượu… tất cả đều được thực hiện một cách hết sức cầu kỳ. Gạo được chọn nấu rượu phải là loại nếp cái hoa vàng, nấu thành cơm vừa chín tới, nếu sống hoặc bén cháy thì rượu sẽ bị nồng và khê, khi lắc chai hoặc rót ra ly, rượu sẽ không có mắt cua và mùi thơm nữa. Đợi cho cơm nguội hẳn thì bắt đầu vào men và ủ khoảng 3 ngày 3 đêm. Đợi cho men “dậy”, cho vào nồi và tiếp tục ngâm khoảng 6 ngày đêm rồi mới đem nấu rượu. Tuy nhiên, để cho ra được loại rượu đặc sản “mắt cua” thì men đem ủ rượu phải là loại men ta, thứ men chứa khoảng từ 32 đến 36 vị thuốc bắc.

Đặc biệt nhất là cách nấu rượu của người dân Tiền Lệ, họ không sử dụng cách nấu “thuỷ hạ” như một số loại rượu thông thường, nghĩa là cho hơi nước chạy trong ống đồng qua một bể nước. Thay vào đó, họ sử dụng phương pháp nấu “thuỷ thượng”, hơi nước trong nồi rượu được bốc lên một chiếc chậu sành có bộ phận làm lạnh ở trên cũng bằng sành, sau đó cho rượu chảy ra một ống tre dài hơn 1m. Điều đặc biệt nữa là người dân ở Tiền Lệ không nấu rượu bằng bếp than như những nơi khác vì theo họ hơi rượu bốc lên mạnh, rượu sẽ khé cổ, không ngon và dễ gây ra hiện tượng đau đầu khi uống. Để cho ra thứ rượu như ý, người dân nơi đây thường đun bằng củi hoặc trấu, lửa không được để cho bốc thành ngọn mà chỉ dùng hơi nóng của than củi hửng đỏ hoặc hơi nóng của đống trấu được đốt ở dưới nồi để cho rượu chảy nhỏ giọt vào vò.

Nhìn những ly rượu nổi lấm tấm những “mắt cua” trong vắt và thơm nhẹ, nhấp thử một ngụm và từ từ cảm nhận vị cay cay rồi ngay sau đó là ngòn ngọt cứ tan trong cổ họng, một cảm giác lâng lâng, dễ chịu cứ từ từ lan tỏa. “Rượu ngon phải là thứ rượu không mùi nồng nặc mà nó có mùi thơm thơm dìu dịu trong hơi thở. Đó mới là thứ nước hoa đặc biệt của người đàn ông…”, bác Nguyễn Văn Trạch chia sẻ.

Thưởng thức rượu dường như đã trở thành một phần không thể tách rời trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội và giao tiếp của người Việt. Và đối với người dân Tiền Lệ cũng vậy, rượu “mắt cua” đã trở thành biểu tượng chứ đựng những giá trị tinh thần của người dân nơi đây trong mỗi bữa tiệc làng. Trong những ly rượu đó, người ta tìm thấy sự quen thuộc và mộc mạc, nhưng lại chứa đựng biết bao tâm huyết của những người làm ra chúng, làm ra những giá trị văn hóa, tạo nên nét duyên cho nền ẩm thực chốn Kinh kỳ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...