++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog của tôi ++ Một ngày vui vẻ nhé! ++

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Rượu thuốc

Rượu thuốc có giúp tăng cường sinh lý?

Cuộc sống hiện đại, áp lực công việc khiến nhiều người đàn ông mệt mỏi, căng thẳng. Có một nghịch lý là có nhiều người thành đạt, có vị trí trong xã hội nhưng lại yếu kém trong chuyện phòng the. Căn bệnh khó nói gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Một số người tìm đến các loại thuốc tân dược nhưng cũng có những tác dụng phụ và chống chỉ định. Một số người nghe nói đến các món ăn thuốc, rượu thuốc: tắc kè, cá ngựa... nhưng thực sự không rõ cách chế và sử dụng. Thể theo yêu cầu của ban đọc quan tâm đến loại rượu thuốc bổ thận tráng dương hòng cứu vãn tình thế. Chúng tôi giới thiệu chùm bài viết của GS.TS. Phạm Xuân Sinh - Đại học Dược Hà Nội về các phương thuốc trị yếu sinh lý để quý ông quan tâm có thể áp dụng.

Kỳ I: rượu tắc kè

Tắc kè - thuốc bổ dương

Tắc kè được Đông y xếp vào loại thuốc bổ dương. Tắc kè có vị mặn, tính ấm, quy vào các kinh phế và thận, với các công năng chính như bổ thận, tráng dương, ích tinh tủy, dùng trong các trường hợp ù tai do thận khí kém, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, nói chung là các hoạt động sinh dục kém... do chức năng của mệnh môn hỏa suy. Tắc kè còn là loại thuốc bổ phế khí, dùng trong các bệnh hen suyễn lâu ngày, các bệnh viêm phổi, ho lao, ho ra máu, khạc ra máu mủ (trường hợp này nên dùng tắc kè dưới dạng nấu cháo, hoặc bột để ăn thì tốt hơn). Ngoài ra, tắc kè còn trị được các chứng bệnh như suy nhược thần kinh, tinh thần mệt mỏi hoặc lao động trí não căng thẳng...

Rượu tắc kè.

Cách chế rượu tắc kè

Công thức cho 4 lít rượu tắc kè gồm: tắc kè 100g, hà thủ ô đỏ 200g, ba kích 200g, nhục thung dung 100g, đảng sâm 200g, huyết giác 20g, đại hồi hoặc tiểu hồi 10g, trần bì 10g, đường trắng 200g, rượu trắng 35-40o 4 lít.

Tiến hành các bước pha chế như sau.

Trước hết, giết tắc kè, bỏ hết phủ tạng, nên nhớ phần đuôi là quý nhất của con tắc kè, dùng bông thấm cồn 70o, lau sạch máu và dùng rượu 35-40o ngâm với gừng tươi giã nát, bóp đều vào tắc kè, ủ 30 phút để khử mùi tanh. Lấy ra, để khô se rồi có thể tiến hành theo hai cách:

Ngâm rượu tắc kè tươi: Thường ngâm một đôi, một con đực, một con cái. Con đực thường có kích thước to và dài hơn. Cũng có thể ngâm nhiều đôi, tùy điều kiện. Cho tắc kè đã chuẩn bị như trên vào bình có dung tích thích hợp. Dùng rượu 60 - 70o đổ ngập tắc kè (một phần tắc kè, 5 - 8 phần rượu), ngâm 100 ngày (lần 1), chiết lấy dịch lần 1, rồi ngâm tiếp 1-2 lần nữa. Những lần sau có thể dùng rượu 35 - 40o, số ngày ngâm cũng giảm dần (60 ngày, 30 ngày). Gộp dịch ngâm của 3 lần lại để pha rượu.

Ngâm rượu tắc kè khô: Tắc kè khô đã có sẵn hoặc có thể chế biến như sau. Sau khi giết tắc kè và khử mùi như trên, dùng 2 que nứa nhỏ, căng 2 chân trước và 2 chân sau, cũng có thể căng từng cặp chéo, một chân trước với một chân sau. Dùng một thanh nứa khác có chiều dài hơn chiều dài của thân và đuôi tắc kè, xiên từ ức đến quá đuôi. Dùng giấy bản hoặc vải mềm cuốn nhẹ vào đuôi để bảo quản. Đem tắc kè xếp vào các khay nhôm, theo kiểu úp thìa và đặt vào các lò sấy, có nhiệt độ từ 60o trở lên để cho tắc kè khỏi bị ôi thiu. Sau đó nâng dần nhiệt độ, sấy tới khô hoàn toàn. Lấy ra để nguội, bảo quản trong các thùng sắt tây, cứ một lớp tắc kè lại rắc một ít quả xuyên tiêu để tránh sâu mọt phá hoại. Thỉnh thoảng phải quan sát để phát hiện sâu mọt, đặc biệt chỗ cậy đuôi tắc kè, nơi mà sâu mọt hay phá hoại nhất. Nhiều khi nhìn bên ngoài, đuôi tắc kè vẫn đẹp, vẫn căng phồng, song bên trong sâu mọt đã ăn hết phần thịt. Đem tắc kè khô chặt bỏ phần đầu, từ mắt và bốn bàn chân. Có thể để cả con hoặc chặt thành mảnh nhỏ, sao nhỏ lửa tới hơi vàng, cho có mùi thơm. Cũng có thể giã dập để có bột thô (trường hợp giã dập, thời gian ngâm rượu sẽ nhanh hơn). Sau khi đã chuẩn bị xong tắc kè, có thể tiến hành ngâm rượu như trên, chỉ cần rượu 35-40o. Đồng thời với việc ngâm rượu tắc kè, tiến hành ngâm rượu của các vị thuốc đã chế biến nói trên. Dùng rượu trắng 35-40o với tỷ lệ một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm có thể ít hơn ngâm tắc kè tươi. Lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2-3 ngâm từ 2 - 3 tuần lễ. Gộp rượu thuốc của các lần ngâm lại.

Pha chế rượu tắc kè

Sau khi đã chuẩn bị rượu của hai phần như trên, có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu tắc kè, một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Rót từ từ rượu tắc kè vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị kết tủa. Sau cùng thêm đường trắng, quấy đều cho tan. Bổ sung rượu cho đủ 4 lít.
Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn, hoặc trước khi đi ngủ. Rượu bổ tắc kè rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, suy yếu sinh lý, trí lực, thần kinh suy giảm.
Lưu ý: Không nên lạm dụng, uống rượu tắc kè như một thứ rượu “thực phẩm” để khai vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...